NÔNG THÔN MỚI
Hãy chung tay​ bảo vệ môi trường đất!
03/03/2023 10:46:43

CẢNH BÁO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐẤT.

   

Có thể nói, với thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp thì đất được xem là tài nguyên vô cùng quý báu. Đây là tư liệu sản xuất đặc biệt và là nguồn nội lực, “nguồn vốn” hàng đầu trong phát triển sản xuất.

Thực tiễn cho thấy, quản lý sử dụng đất bền vững có quan hệ trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong hiện tại và cả tương lai. Trong những năm gần đây, có nhiều yếu tố mới về bối cảnh quốc tế và khu vực đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển KT-XH của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Điều này đã làm cho hiện trạng sử dụng đất của địa phương thay đổi so với cơ cấu sử dụng của phương án quy hoạch.

Theo đó, chuyển dịch đất đai có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống KT-XH. Thông qua phát huy giá trị tài nguyên đất, sản xuất được phát triển, nhất là sản xuất nông nghiệp đã tạo ra hàng ngàn việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn và có những đóng góp tích cực cho tăng thu ngân sách. Đó là các mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn, nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh, tôm sinh thái, sản xuất rau màu… Tất cả đều dựa vào tài nguyên đất. Đặc biệt, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về cơ cấu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy hàng năm, việc chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra ở tất cả các địa phương với diện tích chuyển mục đích khá lớn. Hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất có tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất.

Phải khẳng định rằng, đất là thành phần chính của môi trường và cũng là đầu vào của nhiều quá trình sản xuất có khả năng gây tác động xấu đến môi trường. Diện tích đất thu hồi để quy hoạch chuyển đổi mục đích, nếu không có biện pháp quản lý sử dụng hợp lý có thể gây ô nhiễm môi trường đất, suy thoái đất, gây thiệt hại lớn tài nguyên đất tự nhiên. Sự suy giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp và tăng diện tích đất phi nông nghiệp so với quy hoạch sẽ gây áp lực cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc giảm diện tích đất lâm nghiệp từ các công trình, dự án cũng làm mất đi một phần “lá chắn” trong việc bảo vệ khu vực bờ biển và nguy cơ sạt lở sẽ gia tăng (như các dự án phát triển du lịch sinh thái và năng lượng sạch ven biển Bạc Liêu).

Quan tâm đến vấn đề này, vì hiện nay cùng với ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí còn có ô nhiễm môi trường đất do chính quá trình sản xuất và sinh hoạt tạo ra. Đó là nạn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất lúa, sản xuất rau màu, hay sử dụng và lạm dụng các loại hóa chất, vôi bột trong cải tạo, xử lý ao nuôi phục vụ phát triển con tôm…

Mặt khác, trong sản xuất, sinh hoạt còn thải ra một lượng chất thải lớn và các chất thải này không được xử lý mà đem chôn trực tiếp vào đất càng làm cho quá trình ô nhiễm diễn ra nhanh hơn, nhất là chất thải nhựa.

NÂNG CAO Ý THỨC CỘNG ĐỒNG

Từ thực trạng trên cho thấy, ô nhiễm đất là một trong những vấn đề bức xúc cần được quan tâm. Ô nhiễm đất làm ảnh hưởng, thay đổi các tính chất của đất, giảm năng suất cây trồng và trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính vậy, việc phòng chống ô nhiễm đất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường bền vững hiện nay.

Để phòng ngừa và hạn chế tình trạng ô nhiễm đất, thời gian qua Bạc Liêu đã đưa ra nhiều biện pháp thiết thực. Cụ thể, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường đều thực hiện quan trắc chất lượng môi trường đất định kỳ cùng với các thành phần môi trường khác, nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường của tỉnh.

Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, kiểm tra thường xuyên hoạt động xả thải của các cơ sở, nhà máy sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác truyền thông đại chúng, tuyên truyền và phổ biến cho người dân những kiến thức về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường đất nói riêng. Tăng cường công tác thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt. Kiểm tra, đảm bảo hoạt động sử dụng đất trên địa bàn đúng mục đích, đúng quy hoạch của tỉnh để góp phần bảo vệ môi trường đất. Khuyến cáo, nghiêm cấm người dân không được khai thác và bán đất mặt ruộng phục vụ các mục đích khác…

Tuy nhiên, giải pháp quan trọng và mang tính quyết định vẫn là người dân và doanh nghiệp. Do vậy, cùng với ngành Tài nguyên và Môi trường, các ngành và địa phương phải chung tay làm tốt công tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong sản xuất, sinh hoạt mà phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó là giải pháp mang tính can thiệp thông qua ứng dụng các quy trình, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, giảm lượng phát thải và tăng cường đầu tư phục hồi hệ sinh thái rừng, tránh nguy cơ nước trôi và giữ lại các chất dinh dưỡng cần thiết cho đất…

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH AN - HUYỆN THANH HÀ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Huy Quang - Phó chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: thôn Tiên Tảo, xã  Thanh An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0974943157

Email: thanhan.thanhha@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 6
Tháng này: 7,436
Tất cả: 3,036,386