Phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình, cộng đồng
Vai trò của người cao tuổi luôn có một vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội. Họ không những là người chỉ đường, dẫn dắt thế hệ sau mà còn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng.
Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 25%, tương đương 27 triệu người vào năm 2050.
Nhóm người cao tuổi chiếm tỷ trọng càng cao trong cơ cấu dân số. Do đó, sự ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng càng lớn. Hiểu rõ vai trò của người cao tuổi trong xã hội và gia đình sẽ giúp các bậc cao niên thêm tự tin, chủ động phát huy thế mạnh của mình để sống vui, sống khỏe trẻ lâu.
Vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội
Từ xưa đến nay, trong mỗi gia đình Việt, ông bà luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu. Họ không chỉ nuôi dạy, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu mà còn là người giữ gìn gia phong, nét đẹp truyền thống mà tổ tiên để lại.
Nhiều thành viên lớn tuổi trong gia đình đã trải qua chiến tranh, đi qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước. Ở họ hội tụ đủ các phẩm chất anh dũng, nhân nghĩa, kiên cường, lạc quan… mà thế hệ sau cần học hỏi và noi theo. Có thể nói, người cao tuổi chính là những “anh hùng” đích thực, là niềm cảm hứng nuôi dưỡng ước mơ cho các thế hệ tương lai.
Vai trò của người cao tuổi trong xã hội là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là người có trình độ, kiến thức, kĩ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đáng quý hơn, họ luôn có tinh thần cống hiến, góp sức hết mình cho sự phát triển của đất nước. Nhiều người cao tuổi hiện đang giữ các chức vụ cao trong các tổ chức chính trị, là “đầu tàu” định hướng, có tiếng nói quyết định trong nhiều chính sách quan trọng của quốc gia.
Phát huy vai trò của người cao tuổi trong các tổ chức tại địa phương
Vì sao người cao tuổi nên tham gia những tổ chức phù hợp?
Nhiều người cao tuổi thường có mong muốn về ở chung với con cháu để hưởng thụ tuổi già. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện về tài chính và thời gian để thường xuyên quan tâm, hỏi han chăm sóc ông bà . Hơn nữa, khoảng cách giữa các thế hệ khiến người cao tuổi khó tìm được điểm chung trong cách nhìn nhận sự việc với con cháu. Điều này khiến nhiều người già sống trong cảnh cô đơn, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý.
Nhu cầu được chăm sóc, nâng niu về tinh thần của người cao tuổi là rất lớn. Việc tích cực tham gia vào các tổ chức phù hợp tại địa phương sẽ giúp người cao tuổi được giao lưu, học hỏi và rèn luyện sức khỏe. Không những thế, họ cũng có cơ hội tự do phát huy sự tích cực, giá trị bản thân và bày tỏ quan điểm cá nhân đối với các vấn đề trong xã hội.
Các tổ chức hỗ trợ người cao tuổi
Hiện nay, có rất nhiều tổ chức nhà nước, tư nhân và nhóm thiện nguyện được thành lập để hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Trong đó, hội Người cao tuổi Việt Nam là nơi tập hợp, động viên cộng đồng người cao tuổi tham gia các chương trình kinh tế – xã hội tại địa phương. Với hệ thống trải dài từ trung ương đến cơ sở, đây cũng là nơi người cao tuổi được nêu lên ý kiến cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hội viên của Hội Người Cao Tuổi được khuyến khích tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, văn nghệ, thể dục cho người già… tại địa bàn sinh sống. Đây là những sân chơi bổ ích, giúp người cao tuổi giải trí, nâng cao tinh thần, thể lực, đồng thời thúc đẩy hoạt động văn hóa giao lưu ở khu dân cư.
Người cao tuổi chỉ thật sự sống vui, khỏe, có ích khi họ phát huy hết vai trò của mình. Bằng việc tham gia những tổ chức phù hợp, người cao tuổi sẽ tránh được cảm giác cô đơn, hiu quạnh, trầm cảm ở người cao tuổi. Thay vào đó, họ có thể sống một cách chủ động và luôn tràn đầy năng lượng để tiếp tục cống hiến cho xã hội.