Nhân cách của con người được hình thành, phát triển trước hết từ mỗi gia đình, sau đó mới kể đến yếu tố xã hội. Gia đình là tổ ấm, là nơi đi và cái đích trở về của mỗi người sau những lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống.
Không ở đâu, con người lại sống với nhau bằng tình cảm chân thực và yêu thương như trong gia đình. Vì vậy, gia đình luôn là đề tài hấp dẫn, được hết thảy mọi người quan tâm.
Gia đình là tế bào của xã hội
Ở từng phương diện khác nhau, người ta có những cách định nghĩa về gia đình khác nhau. Song ta có thể hiểu một cách chung nhất: Gia đình là tế bào của xã hội, là một đơn vị nhỏ nhất của xã hội, là đơn vị xã hội đầu tiên, trong đó con người gắn bó với nhau bởi những mối quan hệ hôn nhân và huyết thống, gắn bó với nhau bằng các quan hệ tình cảm, trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục.
Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” viết năm 1884, Ăngghen đã tập trung đã làm rõ nhiều vấn đề quan trọng về gia đình và sự phát triển của gia đình. Theo ông, các mô hình gia đình trong lịch sử luôn gắn với phương thức sản xuất và chế độ xã hội nhất định. Sự vận động, biến đổi của gia đình phụ thuộc vào sự vận động và biến đổi của xã hội.
Gia đình xưa và nay
Cũng như các tộc người và các dân tộc khác, người Việt từ xưa đã chung sống thành gia đình. Gia đình theo kiểu truyền thống của người Việt gồm những người sống chung trong một mái nhà có quan hệ hôn nhân và huyết thống, mang đậm bản sắc dân tộc, có những giá trị nhân văn riêng biệt.
Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hết sức bền chặt, nghĩa nặng tình sâu. Hiện nay, dưới tác động nền kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi sâu sắc, thể hiện chủ yếu ở mấy điểm sau:
Thứ nhất, Trước đây, trong một gia đình thường có sự xuất hiện của ông bà, bố mẹ, con cái, theo kiểu "Tam đại đồng đường" hay "Tứ đại đồng đường", điều đó là chuyện rất bình thường ở mỗi ngôi nhà Việt. Điều kiện khó khăn, việc thoát ly ra khỏi tổ ấm dường như rất ít, con cái lớn lên, cưới vợ gả chồng rồi sinh con vẫn cố gắng để ở bên, phụng dưỡng cha mẹ.
Ngược lại, việc sống cùng người già giúp các cặp vợ chồng trẻ giữ được nền nếp, thói quen, gia phong của gia đình, đồng thời biết lễ nghĩa, kính trên, nhường dưới.
Ngày nay, những cặp vợ chồng trẻ thường thích sự tự do, muốn thể hiện được cái tôi và khả năng độc lập cao, có điều kiện kinh tế. Những lý do đó khiến nhiều người quyết định sống riêng, gây dựng một gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ. Không những thế, người phụ nữ ngày càng bình đẳng, không muốn sống cảnh "làm dâu" tại nhà chồng. Vì thế họ lựa chọn việc "ra ở riêng".
Thứ hai, gia đình Việt Nam là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, lý tưởng sống, ứng xử cho con cái, nhưng hiện nay chức năng đó đang dần bị nhạt phai. Nhiều người trẻ tuổi cho rằng những giá trị truyền thống là cổ hủ, lỗi thời. Những phong tục đẹp trong ngày tết cổ truyền của gia đình Việt Nam cũng bị xem nhẹ. Sự biến đổi từ mô hình gia đình truyền thống sang kiểu gia đình hiện đại đang phải đối diện với những hiện tượng như bạo lực gia đình, ly hôn, sống thử,…
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, bữa cơm gia đình là một hình ảnh điển hình nhất, thể hiện tính cộng đồng, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Thời xưa đói kém, nhiều nhà chỉ ăn một bữa cơm, bữa cháo, nhưng tất cả các thành viên đều có mặt đông đủ, để chia sẻ và gặp mặt nhau sau một ngày vất vả. Nhiều người lớn tuổi chưa quên được cảnh một gia đình thôn quê khoảng nhá nhem tối, trải chiếu ra ngoài hiên, quây quần bên mâm cơm, trò chuyện và tận hưởng không gian thoáng đãng cuối ngày.
Cuộc sống của một gia đình hiện đại ngày nay là sáng đưa con đến lớp, bố mẹ đi làm, chiều về đón con, giao lưu, hội họp, làm thêm giờ, học thêm... liên miên, những bữa cơm gia đình dần thưa vắng. Hình ảnh cả gia đình ngồi vui vẻ quanh mâm cơm đã trở nên hiếm hoi; bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi cũng không có mặt đông đủ các thành viên. Khi thì bố hoặc mẹ bận việc, con đi học hoặc đi làm...
Thứ ba, lối sống trong các gia đình người Việt đang biến đổi nhanh do các nhu cầu mưu sinh về kinh tế, mọi thành viên trong gia đình đều muốn khẳng định vị trí của mình. Khi sống trong gia đình "tứ đại đồng đường", mọi nền nếp, gia phong đều được người già giữ gìn và duy trì.
Những người cao tuổi luôn dùng những câu răn dạy của người xưa để truyền lại con cháu nhằm giữ được gia phong, như: "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng","giọt máu đào hơn ao nước lã", "sống về mồ về mả, đâu chỉ bằng cả bát cơm"... Chính nhờ có các cụ mà con cháu biết nhìn nhau để sống. Hơn nữa, cuộc sống xưa đơn giản, chưa có sự can thiệp của các công nghệ hiện đại, con người ít có sự lựa chọn.
Dưới tác động của kinh tế thị trường nhiều giá trị truyền thống gia đình đã có sự vận động và biến đổi phức tạp, những giá trị đạo đức, nếp sống văn hóa gia đình truyền thống có nguy cơ bị mai một đi, thậm chí một số giá trị bị đảo lộn.
Không ít gia đình quá đề cao chức năng kinh tế, đề cao quyền lực vật chất, xem nhẹ quan hệ tình cảm, buông lơi việc giáo dục ý thức trách nhiệm, lối sống lành mạnh cho các thành viên; các thành viên trong gia đình ít được quan tâm, chăm sóc, do đó độ cố kết trong gia đình lỏng lẻo hơn; lối sống thực dụng xuất hiện ngày càng tăng gây nên những mâu thuẫn lớn giữa các thế hệ.
Sự du nhập ồ ạt của các sản phẩm văn hóa nước ngoài, những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường thời mở cửa đem lại những giá trị văn hóa trái với thuần phong mỹ tục của chúng ta, dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng tăng, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình, nạo phá thai tùy tiện… tất cả những thứ đó đang trực tiếp tàn phá mạnh mẽ đời sống kinh tế và đời sống văn hóa, tinh thần của các gia đình. Các mối quan hệ đạo đức truyền thống trong gia đình như kính trên nhường dưới, hiếu thảo, thủy chung... đã và đang bị xem nhẹ.
Xây dựng gia đình là xây dựng xã hội
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt".
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra phương hướng: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra nhiệm vụ: “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hoá”.
Đảng, Nhà nước ta đã quyết định chọn ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam và hướng tới mục tiêu xây dựng các gia đình Việt Nam "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững".
Để thực hiện các quan điểm chủ trương trên của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục các xu hướng biến đổi đạo đức gia đình truyền thống một cách lệch lạc xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là: Phải tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong gia đình và xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và những giá trị tích cực của đạo đức văn hóa gia đình truyền thống, làm cho mọi người hiểu rõ gia đình là cái tồn tại bền vững trong mọi hình thái kinh tế - xã hội, là một tế bào của xã hội, gia đình phải mãi mãi là cái nôi nuôi dưỡng, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người từ nhỏ đến lúc trưởng thành.
Gia đình là trường học đầu tiên giáo dưỡng nhân cách và lối sống có văn hoá, có đạo lý cho con người. Gia giáo bao giờ cũng đi trước giáo dục xã hội. Vinh dự và trách nhiệm của gia đình là cung cấp cho xã hội những công dân ưu tú cả về đạo đức, tài năng và thể chất.
Hai là: Kế thừa và phát huy có chọn lọc những chuẩn mực đạo đức tích cực của gia đình truyền thống và tiếp thu những tiến bộ của gia đình hiện đại trong xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay. Ngăn chặn sự xâm lấn của văn hóa không lành mạnh, lối sống ngoại lai. Trong gia đình mọi thành viên cần phải dựa vào nhau, an ủi, khuyến khích, động viên nhau, sẻ chia với nhau mọi nỗi đau buồn và niềm vui sướng.
Gia đình không thể chỉ là một "đơn vị kiếm sống", càng không thể là một "quán trọ" cho những tâm hồn cô đơn và lối sống tạm bợ. Nó cần phải được xây dựng bền vững, trở thành tổ ấm hạnh phúc cho mỗi con người, khi mà ở đó, các giá trị đạo đức và lối sống gia đình truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy.
Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, phải cụ thể hóa hơn các tiêu chí để đánh giá khách quan, đúng thực chất các gia đình văn hoá. Việc đánh giá xếp loại gia đình văn hóa phải được gắn chặt chẽ với việc đánh giá xếp loại cơ quan văn hoá; đánh giá tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm. Cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở cần đi sâu nắm bắt tình hình cụ thể của từng hộ gia đình, thường xuyên động viên giúp đỡ các gia đình, bảo đảm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Bốn là: Tăng cường kết hợp vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức gia đình, nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống; tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.
Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ với con cái. Chú ý lồng ghép việc giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống, nếp sống gia đình văn hóa vào các hoạt động thường ngày của con người, nhất là lớp trẻ, từ học tập, lao động đến vui chơi, giải trí. Cùng với đó phải tạo ra một môi trường sống lành mạnh ở gia đình và xã hội.
Năm là: Cần quan tâm giải quyết tốt các chính sách gia đình, quan tâm đến các gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước hết, phải giải quyết từng bước các điều kiện tồn tại của gia đình như nhà ở, việc làm, đồng thời xây dựng các quan hệ ứng xử sao cho thích hợp với mọi lứa tuổi, với vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên.
Nhớ ơn bố mẹ, kính trọng ông bà, thương yêu con cháu, anh em đùm bọc, vợ chồng hòa thuận là những tình cảm tự nhiên vốn có phải được giữ gìn, củng cố và phát huy mạnh mẽ. Xây dựng gia đình văn hóa mới cần nối tiếp các giá trị văn hoá, đạo đức, nếp sống truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng nền nếp gia đình dân chủ, tôn trọng nhau, cùng nhau bàn bạc và quyết định, khắc phục thái độ độc đoán, gia trưởng, bất bình đẳng của các quan hệ gia đình trong xã hội cũ.
Chỉ có thế, mỗi chúng ta, mỗi gia đình mới có đủ sự sáng suốt và năng lực để tiếp tục chuyển tiếp các giá trị đạo đức và nếp sống gia đình truyền thống tốt đẹp cho thế hệ mai sau.