Giới thiệu tổng quan về xã Thanh An. Thanh An là xã nằm ven sông Rạng, thuộc phía Bắc huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Phía Đông giáp xã Thang Lang, phía Tây giáp xã Việt Hồng và một phần xã Cẩm Chế, phía Nam giáp xã Liên Mạc, phía Bắc có con sông Rạng làm ranh giới tự nhiệm giữa Thanh An và xã Tuấn Hưng (huyện Kim Thành). Xã Thanh An được hình thành từ thế kỉ thứ X trên mảnh đất màu mỡ được bồi đắp bởi hai con sông là sông Rạng và sông Hương. Từ thủa sơ khai, xã Thanh An có tên gọi là Tảo Sơn Trang với ba thực ấp là Minh Kính Sơn (Tiên Tảo ngày nay), Thúc Sơn Trang (Quách An ngày nay) và Trung Trang (Văn Tảo ngày nay). Thanh An có diện tích hành chính là 1348 mẫu bắc Bộ (481,86ha) và tổng diện tích đất canh tác là 887 mẫu Bắc Bộ. Với hệ thống sông ngòi dày đặc: phía Bắc có sông Rạng, phía Đông có sông Gương, phía Tây có sông Cống, phía Nam có ngòi Bến Tắm cùng hàng chục con ngòi chảy xen giữa các thôn, xóm và các khu đồng canh tác là điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc canh tác lúa, cây hoa màu vụ đông và cây ăn quả. Hơn nữa, đó còn là điều kiện để phát triển giao thông đường thủy, là nguồn cung cấp thủy sản như cá, tôm, cua, cáy… góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Thanh An là xã nhỏ, nhưng có bề dày lịch sử về truyền thống yêu nước và tinh thần hiếu học. Dưới triều Đinh Tiên Hoàng (thế kỉ thứ X) có ba cha con họ Đinh, ba cha con họ Triệu đã giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân được phong công thần. Dưới triều Lê Đại Hành (thế kỉ thứ X) có ba anh em họ Lý giúp vua đánh tan quân Tống, khi chết được phong công thần. Dưới triều nhà Lê, ông Trần Duy Hiên có công dẹp giặc cứu dân, được vua ban tước công… Thanh An cũng là một trong những xã có nhiều tiến sĩ văn học được khắc tên trong bia đá Văn Miếu (Hà Nội). Theo tương truyền và bia kí, từ thời Lý đến thời hậu Lê có 6 người đỗ tiến sĩ: Đinh Văn Cương, Trần Văn Trai, Trần Văn Huyên, Trần Duy Hiên, Nguyễn Cố Kỳ, Nguyễn Cố Trì. Truyện nôm khuyết danh “Phạm Tải Ngọc Hoa” ra đời từ thời Lê Mạt đã ca ngợi Trần Thị Ngọc Hoa (người làng Văn Tảo, sinh trưởng vào thế kỉ thứ XVI, dưới triều hậu Lê) đẹp người đẹp nết, công, dung, ngôn, hạnh tuyệt vời, kiên quyết bảo vệ tình yêu thủy chung, chống lại thế lực cường quyền, đã trở thành hình tượng người phụ nữ có phẩm hạnh cao quý, được nhân dân cả nước ngưỡng mộ. Đền Ngọc Hoa ngự tại thôn Văn Tảo đã mấy trăm năm và đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng di tích quốc gia vào ngày 05/02/1994. Đền Ngọc Hoa và hội đền Ngọc Hoa với nghi lễ linh thiêng sung kính, một tín ngưỡng tôn vinh giá trị truyền thống, ghi nhận công lao của tướng công Trần Công có công đánh giặc giữ nước, đồng thời đề cao giá trị đạo đức thủy chung tiết hạnh của người phụ nữ cần được giữ gìn. |