Theo Âm lịch, ngày 15/8 là chính giữa mùa thu được coi là ngày "lành" để làm lễ tế thần mặt trăng để người xưa tiên đoán mùa màng và cũng là dịp tết vui chơi của trẻ nhỏ.
Nguồn gốc ngày Tết Trung thu
Trung thu, là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Tết Trung thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng 8.
Theo tích xưa, Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Năm ấy vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung thu.
Ngày Tết này sau đó du nhập vào Việt Nam. Trong ngày Tết Trung thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô. Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em và trong mâm cỗ xưa thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả... Giờ vào dịp Trung thu, các địa điểm dân phố hoặc TTTM lớn đều có tổ chức trang trí và các hoạt động riêng cho trẻ em lại là nơi được nhiều vị phụ huynh lựa chọn đưa các bé đến cùng vui chơi, chụp ảnh.
Ý nghĩa ngày Tết Trung thu
Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.
Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.
Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ...
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Không chỉ vậy, Rằm Tháng Tám, Tết Trung Thu còn nhắc nhở chúng ta nhớ về Trung Thu độc lập đầu tiên cuẩ đất nước, nhớ về Bác Hồ kính yêu với câu thơ:
Trung Thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương
Bác đã đi xa, nhưng muôn vàn tình yêu thương của Bác vẫn ở lại mãi với non sông đất nước, với lớp lớp cháu con, lớp lớp thiếu niên- nhi đồng – lớp măng non kế cận – những chủ nhân tương lai của đất nước ngày mai. Bởi vậy, Rằm Tháng Tám, Tết Trung Thu còn có chủ đề là “Trung Thu nhớ Bác” của chúng ta.
Trung thu năm 2022, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ sở thôn tổ chức vui Tết trung thu cho các em thiếu niên- nhi đồng vào tối ngày 15/8 âm lịch ( tối thứ 7) tại khu trung tâm các thôn.
Về dự và chung vui với các cơ sở có đoàn đại biểu đại diện cho Đảng ủy- HĐND-UBND xã Thanh An. Tết trung thu năm nay UBND xã có trích một phần ngân sách tặng quà cho các em thiếu nhiên nhi đồng vui trung thu.
Tết trung thu các em được nghe Thư của bác Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam gửi tặng, các cơ sở thôn tổ chức chương trình văn nghệ đặc sắc, tổ chức phá cỗ trung thu; Cũng trong dịp này trẻ em nghèo, vượt khó, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nhận món quà ý nghĩa từ các cá nhân, tập thể, các nhà hảo tâm để các em có mùa trung thu nhiều ý nghĩa.
Nhân dịp Tết trung thu xin chúc các em thiếu niên- nhi đồng yêu quý đón tết trung thu tràn đầy niềm vui, hạnh phúc trong vòng tay yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ, người thân và sự chăm lo của toàn xã hội.